HỎI ĐÁP l HOTLINE:
message
lv@phanbonlongviet.com
Xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc, “họ khó tính, tôi càng mừng”

“Trung Quốc cho phép xuất khẩu sầu riêng chính ngạch, chúng tôi rất mừng, bởi đây là thị trường tiêu thụ sầu riêng rất lớn. Vấn đề bây giờ làm sao xây dựng được thương hiệu quốc gia cho trái sầu riêng Việt Nam, họ càng khó tính, chúng tôi càng mừng” – bà Ngô Tường Vy- một doanh nghiệp xuất khẩu cho biết.

Xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc, “họ khó tính tôi càng mừng”

Trao đổi với PV Dân Việt, bà Ngô Tường Vy – Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu (Bến Tre) cho biết, chúng ta mới ký Nghị định thư chứ không phải hiện tại đã được xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc. Hiện nay vẫn còn rất nhiều bước khác phải làm.

“Chúng ta sẽ phải đợi phía Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt danh sách mã số vùng trồng, danh sách các doanh nghiệp đủ điều kiện xuất khẩu, đăng tải trên hệ thống của Trung Quốc. Do hiện tại mã số vùng trồng, nhà đóng gói còn đang đợi phê duyệt, nên cũng chưa biết doanh nghiệp nào được phép xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc” – bà Vy nói.

Theo đó, chỉ khi doanh nghiệp nào được duyệt, doanh nghiệp đó mới được xuất khẩu; vùng nguyên liệu nào đạt tiêu chuẩn, mới được cấp mã số vùng trồng thì mới được xuất khẩu sang Trung Quốc.

Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu (Bến Tre) là một trong những doanh nghiệp hàng đầu về xuất khẩu trái cây, trong đó đã xuất khẩu sầu riêng thành công vào Mỹ. Ảnh: C.T

Cụ thể, tất cả các vùng trồng phải xây dựng hệ thống quản lý chất lượng và truy xuất nguồn gốc, áp dụng Thực hành nông nghiệp tốt (GAP) và đảm bảo các điều kiện như: Vệ sinh vườn trồng và cách xa nguồn ô nhiễm, loại bỏ ngay những quả rụng và thối hỏng. Phải áp dụng chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), bao gồm giám sát sinh vật gây hại, phòng trừ bằng hóa chất hoặc sinh học và các biện pháp canh tác khác…

Đối với cơ sở đóng gói và chế biến, theo Nghị định thư, Bộ NNPTNT sẽ cử cán bộ giám sát quy trình chế biến và đóng gói sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc. Cơ sở đóng gói phải xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc để đảm bảo sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc có thể truy xuất ngược đến vùng trồng. Bao gồm thông tin ngày chế biến, đóng gói, tên hoặc mã số vùng trồng, ngày xuất khẩu, khối lượng xuất khẩu, nước nhập khẩu, số container…

“Việc ký nghị định thư là 1 trong những thuận lợi bước đầu. Là doanh nghiệp chúng tôi rất mừng, bởi Trung Quốc là một thị trường rất có tiềm năng, nhu cầu tiêu thụ sầu riêng rất lớn. Tuy nhiên các vấn đề còn lại, chúng ta phải chuẩn bị rất kĩ càng, đáp ứng các tiêu chuẩn chặt chẽ mà thị trường Trung Quốc đề ra” – bà Vy cho biết.

Kể cả mít, thanh long, bà Vy cho biết thời gian qua chúng ta gặp rất nhiều khó khăn trong vấn đề kiểm dịch. Do đó, với trái sầu riêng, hay chanh leo, ngay lúc này nông dân và doanh nghiệp cần thay đổi cách làm để đáp ứng yêu cầu của thị trường. Một điều lưu ý là với những lô hàng đầu tiên xuất khẩu sang Trung Quốc, cường độ kiểm tra sẽ rất nghiêm ngặt.

Một điểm thu mua sầu riêng tại tỉnh Tiền Giang. Ảnh: Trần Đáng

Bà Vy cũng cho biết, những năm gần đây, trình độ canh tác của người nông dân cũng đã thay đổi rất nhiều. Bà con ý thức được muốn bán nông sản thuận lợi, giá cao thì phải làm theo tiêu chuẩn, đáp ứng các yêu cầu của doanh nghiệp.

“Khó khăn nhất đối với doanh nghiệp xuất khẩu nông sản hiện nay là vấn đề bảo hộ thương hiệu. Từ trước tới giờ các giống sầu riêng của Việt Nam với Thái Lan gần như nhau. Ví dụ Thái Lan có giống sầu riêng Monthoong, người Trung Quốc rất chuộng giống sầu riêng này, nhưng khi chúng ta xuất khẩu sang đó phải là giống Dona. Trong khi với thị trường Mỹ, họ lại thích sầu riêng Ri6” – bà Vy khẳng định.

Do đó, bà Ngô Tường Vy nhấn mạnh, muốn cạnh tranh được ở thị trường Trung Quốc, chúng ta sẽ phải nỗ lực xây dựng thương hiệu sầu riêng Việt Nam.

“Đương nhiên mình đi sau Thái Lan, Malaysia rất nhiều năm, vì vậy việc xây dựng thương hiệu sẽ mất rất nhiều thời gian, lộ trình không phải là dễ dàng. Mình đi sau người ta, thì phải làm thế nào để người ta biết tới mình với một thương hiệu uy tín, chất lượng” – CEO của Công ty Chánh Thu chia sẻ với Dân Việt.

Khó khăn nữa là sự liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã, bà con nông dân lâu nay chưa thực sự bền chặt. Suốt thời gian dài thị trường Trung Quốc thuận lợi đã khiến người nông dân chúng ta ỷ lại, quen với lối xuất khẩu tiểu ngạch.

Trao đổi với Dân Việt, bà Vy nhấn mạnh: “Vì lẽ đó, khi Trung Quốc có những chế tài kiểm soát, đưa ra các tiêu chuẩn khắt khe, trở thành thị trường khó tính, tôi lại thấy rất mừng.

Chúng tôi đang hình thành vùng nguyên liệu trái cây xuất khẩu cho mình, liên kết với bà con để có những vùng trồng sầu riêng đảm bảo các tiêu chí chất lượng. Đặc biệt là tôi luôn mong muốn góp phần xây dựng thương hiệu quốc gia cho trái sầu riêng Việt Nam. Để làm được điều đó, ngay trong năm 2022, Chánh Thu sẽ xây dựng nhà máy chế biến sầu riêng tại Đắk Lắk”.

“Cơ hội xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc rất lớn, tương tự thị trường Mỹ cũng vậy. Vấn đề là người nông dân có sẵn sàng thay đổi hay không mà thôi” – bà Vy nói với PV Dân Việt.

Bà Ngô Tường Vy cũng nhấn mạnh rằng, những thay đổi từ thị trường Trung Quốc hay các thị trường quen thuộc sẽ là thử thách, song cũng là lúc để chúng ta áp dụng những chế tài kiểm soát, đồng nhất về tiêu chuẩn chất lượng của sản phẩm nông sản Việt Nam.

Từ cơ quan quản lý, doanh nghiệp, hợp tác xã, người nông dân và những đối tượng tham gia chuỗi liên kết phải cùng vào cuộc để đặt ra tiêu chí, định vị sản phẩm nông sản của chúng ta ở những thị trường nào, tất cả phải cùng vào cuộc.

Nguồn: https://danviet.vn/xuat-khau-sau-rieng-sang-trung-quoc-ho-kho-tinh-toi-cang-mung-20220717070358606.htm