Dự báo xuất khẩu sắn và sản phẩm từ sắn – một trong 13 sản phẩm nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam rất lạc quan trong năm 2022.
Sắn là một trong 13 mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Ảnh: T.L
Xuất khẩu sắn – nông sản “nhỏ nhưng có võ”
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) Lê Quốc Doanh, trong những năm qua, vai trò của cây sắn đã lớn mạnh vượt bậc, sắn không chỉ dừng lại ở cây “xóa đói giảm nghèo”, mà đã trở thành loại cây hàng hóa. Tuy là loại cây trồng “bình dân”, nhưng sắn (củ mì) lại mang lại giá trị kinh tế rất lớn, là 1 trong 13 sản phẩm nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.
Thống kê cho thấy, từ tháng 3.2022, xuất khẩu sắn tăng trưởng trở lại sau 2 tháng sụt giảm mạnh. Số liệu thống kê cho thấy, ước tính tháng 3.2022, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt khoảng 450 nghìn tấn, trị giá 202 triệu USD, tăng 80,6% về lượng và tăng 97,1% về trị giá so với tháng 2.2022; tăng 51% về lượng và tăng 79,1% về trị giá so với tháng 3.2021.
Lũy kế 3 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn ước tính đạt khoảng 970 nghìn tấn, trị giá 420 triệu USD. Điều đáng nói là, nhờ sợ hỗ trợ về đà tăng của giá, nên dù xuất khẩu sắn giảm 0,6% về lượng nhưng đã tăng 15,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Trao đổi với PV Lao Động, ông Nguyễn Như Cường – Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT), nhấn mạnh: Sắn và sản phẩm sắn là một trong 13 sản phẩm nông sản chủ lực xuất khẩu của Việt Nam.
“Sắn là cây trồng bình dị, nhưng giá trị mang lại không hề nhỏ. Việt Nam là nước xuất khẩu sắn và sản phẩm từ sắn đứng thứ 3 thế giới về sản lượng, chỉ sau Thái Lan và Campuchia. Tính về giá trị kim ngạch, xuất khẩu sắn xếp thứ 2 thế giới chỉ sau Thái Lan” – ông Nguyễn Như Cường thông tin.
Cũng theo ông Nguyễn Như Cường, đến nay, có 27 tỉnh, thành phố có nhà máy chế biến tinh bột sắn và có khoảng 120 nhà máy chế biến tinh bột sắn quy mô công nghiệp, tổng công suất thiết kế 11,3 triệu tấn củ tươi/năm, tổng công suất thực tế 8,62 triệu tấn/năm.
Thị trường Trung Quốc rất tiềm năng, nhưng không còn “dễ tính”
Theo Bộ Công Thương, Việt Nam chủ yếu xuất khẩu tinh bột sắn và sắn lát khô, chủ yếu được xuất khẩu sang các thị trường: Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Philippines…
Trung Quốc hiện là thị trường nhập khẩu sắn và tinh bột sắn lớn nhất thế giới và cũng là trị trường tiêu thụ sắn và các sản phẩm từ sắn lớn nhất của Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay trên 65% sản lượng săn xuất khẩu theo hình thức biên mậu qua các cửa khẩu ở Lạng Sơn, Quảng Ninh, Lào Cai nên thiếu tính bền vững, rủi ro cao.
Do đó, Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) khuyến nghị, năm 2022, Trung Quốc sẽ có nhu cầu nhập khẩu sắn lớn hơn nữa và sẽ nhập khẩu nhiều hơn sắn và các sản phẩm từ sắn của Việt Nam do điều kiện địa lý thuận lợi. Tuy nhiên, Trung Quốc cũng áp dụng Lệnh 248, Lệnh 249 nên việc xuất khẩu sắn sang thị trường này không dễ như các năm trước, doanh nghiệp Việt cần quy hoạch vùng trồng, đẩy mạnh chế biến sâu và chuyển sang xuất khẩu chính ngạch, đáp ứng yêu cầu quy định tại 2 lệnh nói trên của Tổng cục Hải quan Trung Quốc.
Theo ông Ngô Xuân Nam – Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, thị trường Trung Quốc rất tiềm năng nhưng đã khắt khe rất nhiều.
“Từ khi thực hiện 2 lệnh 248 và 249, xuất khẩu sang Trung Quốc đòi hỏi nhiều tiêu chuẩn khắt khe, các doanh nghiệp xuất khẩu phải đáp ứng mới có thể xuất khẩu nền vững” – ông Ngô Xuân Nam khẳng định.
Theo Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) đã ký kết, tinh bột sắn là sản phẩm được cấp hạn ngạch miễn thuế quan đứng thứ hai sau lúa gạo; thuế xuất khẩu tinh bột sắn ngoài hạn ngạch là 166 EUR/tấn; sắn củ tươi, sắn đông lạnh cắt lát hoặc không ngoài hạn ngạch tính thuế là 9,5 EUR/kg. Hiện nay, ngành sắn Việt Nam vẫn chưa tận dụng được các cơ hội nêu trên để mở rộng thị trường xuất khẩu sang các nước, các khu vực có ký FTA, chủ yếu tập trung vào thị trường Trung Quốc.
Nguồn: https://www.tintucnongnghiep.com/2022/04/xuat-khau-san-sang-thi-truong-trung.html
SẢN PHẨM MỚI
TIN TỨC