HỎI ĐÁP l HOTLINE:
message
lv@phanbonlongviet.com
Trái cây thắng lớn, mỗi năm bán 100 tấn múi sầu riêng đông lạnh.

Giữa mùa dịch Covid-19, nhiều mặt hàng trái cây tươi đang ùn ứ, rớt giá, nhưng không ít doanh nghiệp chế biến trái cây vẫn làm ăn phát đạt.

Sau thời gian lên cao vì chín sớm đầu vụ, giá sầu riêng bắt đầu giảm. Giá sầu riêng bán xô hiện chỉ còn 40.000 đồng/kg so với mức 60.000 đồng/kg hồi cuối tháng 5.

Tự đổi thay giữa vùng nguyên liệu

Tuy mức giá nói trên vẫn giúp người dân có lời nhưng mùa sầu riêng đang vào chính vụ và dịch Covid-19 vẫn đang gây áp lực lên giá trái cây tươi. Nhờ xuất bán múi sản phẩm sầu riêng đông lạnh, ông Trương A Vùng (ở huyện Cẩm Mỹ, Đồng Nai) không hề lo lắng về điều này.

Ông Vùng kể, đặc thù của sầu riêng Cẩm Mỹ là chất lượng rất cao. Ngày trước, ông cũng là chủ cơ sở kinh doanh sầu riêng tươi. Nhưng áp lực xuất bán trái cây vụ hè ngày càng lớn, trong khi Trung Quốc có nhu cầu về múi sầu riêng đông lạnh, do vậy năm 2017 ông Vùng quyết định thành lập Công ty TNHH Xuất nhập khẩu – thương mại Toàn Thắng.

Ông thu mua sầu riêng đúng tuổi chín sinh lý. Múi sầu riêng được phân loại, chế biến rồi đưa vào cấp đông và đóng gói. Sầu riêng đông lạnh bán ra thị trường có giá trị cao gấp 3 lần bán trái tươi.

Trung bình mỗi năm ông bán trên 100 tấn sầu riêng múi đông lạnh thành phẩm, với giá từ 150.000 – 200.000 đồng/kg.

Chế biến trái cây thắng lớn mùa dịch - Ảnh 1.

Ông Trương A Vùng kiểm tra vùng nguyên liệu sầu riêng chế biến xuất khẩu.

Theo ông Vùng, sầu riêng Việt Nam có thị trường rộng lớn ở châu Á. Không chỉ Trung Quốc, Hongkong, Đài Loan mà ngay cả với Thái Lan, sầu riêng Việt Nam vẫn có thể cạnh tranh được. Vụ thu hoạch năm 2021, công ty của ông vẫn tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất sản phẩm trữ đông.

“Công ty cũng tiếp tục nâng cấp các tiêu chuẩn về chất lượng, quy trình chế biến nhằm để sản phẩm có thể tiến xa hơn ở những thị trường khó tính như Canada, Mỹ và Úc” – ông Vùng nói.

Ông Nguyễn Thế Hưng – Giám đốc Công ty TNHH Mít sấy Hưng Phát cũng cho biết, doanh nghiệp sẽ đầu tư thêm xưởng sơ chế, đóng gói tại huyện Định Quán, Đồng Nai. Cùng với đó là mở thêm nhiều điểm thu mua, sơ chế mít sấy.

Theo ông Hùng, có một điểm chung là các thị trường khó tính, ở xa vẫn thích sản phẩm trái cây chế biến từ Việt Nam.

Ngoài Trung Quốc, châu Âu và Trung Đông sẽ là những thị trường tiềm năng mà Công ty Hưng Phát đang nhắm đến. “Chúng tôi mở rộng quy mô sản xuất ngay trong giai đoạn dịch Covid-19 gây nhiều khó khăn vì tự tin tiềm năng của thị trường trái cây chế biến còn rất lớn” – ông Hùng chia sẻ.

Ưu tiên chế biến

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, 3 tháng đầu năm 2021, Việt Nam là thị trường cung cấp xoài các loại lớn thứ 13 vào Mỹ. Đáng chú ý, Mỹ tăng mạnh nhập khẩu xoài sấy khô và nước ép xoài từ Việt Nam.

Trong đó, nhập khẩu nước ép xoài từ Việt Nam đạt 97 tấn, tăng 340% về lượng và tăng 160% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Dù số lượng còn khá khiêm tốn nhưng nhiều doanh nghiệp đánh giá, việc tăng cường xuất khẩu các sản phẩm chế biến đang là xu hướng phát triển của trái xoài Việt Nam.

Ông Nguyễn Đình Tùng – Giám đốc Công ty Vina T&T (TP.HCM) cho biết, Covid-19 khiến trái cây tươi xuất khẩu đang gặp rất nhiều khó khăn do giá cước vận tải tăng, thời gian vận chuyển kéo dài. Trước đây, trái xoài có 3 phân khúc chính là: Xuất khẩu, tiêu thụ nội địa, sau cùng mới đến hàng chế biến.

“Nhưng do xuất khẩu trái tươi gặp khó khăn nên nhiều doanh nghiệp chọn hướng tăng cường cho hoạt động chế biến xuất khẩu” – ông Tùng nói.

Còn theo ông Đặng Phúc Nguyên – Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, xoài chế biến của Việt Nam được thị trường Mỹ ưa chuộng chính nhờ hương vị riêng. “Trái cây tươi rớt giá trở thành đầu vào thuận lợi để doanh nghiệp thu mua chế biến” – ông Nguyên nói.

Nguồn: https://danviet.vn/che-bien-trai-cay-thang-lon-moi-nam-ban-100-tan-mui-sau-rieng-dong-lanh-ong-chu-nay-khong-lo-mua-dich-20210614175140929.htm