HỎI ĐÁP l HOTLINE:
message
lv@phanbonlongviet.com
Sản xuất nông nghiệp tập trung góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế

(Baothanhhoa.vn) – Thời gian qua, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, cá nhân thực hiện tích tụ, tập trung đất đai để phát triển sản xuất nông nghiệp tập trung (SXNNTT), quy mô lớn. Từ đó, tạo thuận lợi để áp dụng các tiến bộ khoa học – kỹ thuật, cơ giới hóa, thúc đẩy liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị.

Diện tích sản xuất cây ăn quả tập trung tại xã Xuân Hồng (Thọ Xuân).

Thực tế cho thấy, việc phát triển nông nghiệp tại các địa phương trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn do thời tiết diễn biến bất thường, thiên tai ngày càng khắc nghiệt, dịch bệnh xảy ra và diễn biến phức tạp. Bên cạnh đó, diện tích đất sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ dẫn đến việc áp dụng khoa học – kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế; việc liên kết sản xuất chưa thật sự hiệu quả. Ngoài ra, nhiều hộ dân vẫn còn tư tưởng giữ đất, gây khó khăn cho công tác tích tụ, tập trung đất đai để hình thành các vùng SXNNTT.

Tại Như Xuân, để thay đổi tư duy sản xuất của người dân trong sản xuất, hình thành vùng trồng cây ăn quả tập trung, huyện đã tích cực tuyên truyền, khuyến khích người dân thực hiện tích tụ, tập trung đất đai; tổ chức lớp tập huấn và hỗ trợ người dân trong việc ứng dụng khoa học – kỹ thuật, lựa chọn các loại cây ăn quả phù hợp với thổ nhưỡng, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Đến nay, toàn huyện có 12 HTX, 17 trang trại và hộ gia đình tham gia sản xuất cây ăn quả tập trung, với tổng diện tích 356,8 ha. Trong đó, cam 211 ha, bưởi hơn 92 ha, ổi 26 ha, thanh long 14,5 ha… cho thu nhập trung bình khoảng 166 triệu đồng/ha/năm. Ông Lê Tiến Đạt, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Như Xuân, cho biết: Diện tích sản xuất cây ăn quả tập trung đã tạo điều kiện để thu hút các doanh nghiệp thực hiện liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm cho người dân. Các sản phẩm hiện đã có đầu ra ổn định tại các cửa hàng kinh doanh thực phẩm sạch, một số trang trại, HTX sản xuất quy mô lớn có thị trường tiêu thụ ngoài tỉnh như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Nghệ An… Đến hết năm 2022, toàn huyện phấn đấu sẽ mở rộng diện tích cây ăn quả tập trung lên 662,55 ha, thu nhập bình quân đạt 180 triệu đồng/ha; tập trung phát triển các loại cây trồng chủ lực, như cam, bưởi, ổi, xoài keo, chanh leo.

Để từng bước khắc phục những hạn chế về tổ chức sản xuất, huyện Thọ Xuân đã xác định việc tích tụ, tập trung đất đai để SXNNTT, ứng dụng công nghệ cao là một trong những giải pháp quan trọng. Từ đó, lựa chọn cây trồng, vật nuôi phù hợp để tạo ra khối lượng sản phẩm nông nghiệp lớn; ứng dụng khoa học – kỹ thuật, chăn nuôi theo hướng an toàn dịch bệnh; áp dụng cơ giới hóa đồng bộ để vừa giải phóng sức lao động, vừa giảm chi phí sản xuất, giúp nâng cao hiệu quả kinh tế; qua đó để người dân thấy được những lợi ích của việc SXNNTT. Đến nay, toàn huyện đã tích tụ, tập trung được hơn 1.800 ha và hình thành một số vùng sản xuất có diện tích tập trung lớn, như: vùng mía nguyên liệu, vùng trồng cây ăn quả tập trung, vùng sản xuất rau an toàn tập trung, vùng trang trại chăn nuôi tập trung kết hợp trồng cây ăn quả… Người dân, doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư cơ sở hạ tầng, xây dựng hệ thống nhà màng, nhà lưới, lắp đặt hệ thống tưới tự động; ứng dụng công nghệ chuồng kín, máng ăn, uống tự động, đệm lót sinh học, ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ.

Nỗ lực thực hiện các giải pháp, hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã xây dựng được các vùng SXNNTT, với các chủng loại giống cây trồng phù hợp điều kiện sinh thái, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường và từng bước thích ứng với biến đổi khí hậu, như: vùng sản xuất giống lúa thuần, lúa lai F1, sản xuất rau an toàn tập trung chuyên canh tại các huyện Thọ Xuân, Đông Sơn, Thiệu Hóa…; vùng sản xuất chuyên canh ngô ngọt, bí, hành lá,… tại các huyện Thọ Xuân, Yên Định, Hoằng Hóa…; vùng trồng cây ăn quả tại các huyện Thọ Xuân, Như Xuân, Thạch Thành…; vùng chăn nuôi bò sữa tập trung tại các huyện Yên Định, Như Thanh…

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiệu quả của SXNNTT đã góp phần để người dân mạnh dạn hơn trong việc chuyển đổi phương thức canh tác lạc hậu sang phát triển sản xuất hàng hóa, tạo nên những sản phẩm đạt chất lượng và tăng sức cạnh tranh, nhất là các sản phẩm đã được xây dựng nhãn hiệu, phát triển thương hiệu trên thị trường. Bên cạnh đó, tạo điều kiện để doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, hình thành chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, hiệu quả kinh tế tăng 15 đến 20% so với sản xuất thông thường.

Nguồn: https://baothanhhoa.vn/kinh-te/san-xuat-nong-nghiep-tap-trung-gop-phan-nang-cao-hieu-qua-kinh-te/169439.htm