Thưa bà, Việt Nam và Hà Lan đã có thời gian dài hợp tác trong phát triển nông nghiệp với nhiều chương trình hỗ trợ cụ thể cho các sản phẩm nông sản. Lĩnh vực mới hai bên sẽ phát triển trong thời gian tới là gì, thưa bà?
Là quốc gia tiên phong trong lĩnh vực nông nghiệp tuần hoàn, chúng tôi mong muốn cùng với đối tác Việt Nam tìm kiếm các giải pháp sáng tạo, chia sẻ kiến thức để cùng nhau xây dựng tương lai bền vững cho nông nghiệp.
Bà Sonnema – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp, Tự nhiên và Chất lượng thực phẩm Hà Lan |
Thời gian qua, Hà Lan đã hỗ trợ Việt Nam phát triển nhiều sản phẩm nông sản chất lượng như tôm, khoai tây, các sản phẩm sữa… Hai bên đã có sự hợp tác chặt chẽ, trong đó có an toàn thực phẩm. Chúng tôi đã chia sẻ, hỗ trợ với những phòng tham chiếu giúp sản xuất đảm bảo an toàn, với người tiêu dùng không chỉ của Việt Nam mà cả trên thế giới. Cùng với đó, Hà Lan cũng hỗ trợ Việt Nam trong công tác tích tụ đất, xây dựng các hợp tác xã hoạt động hiệu quả…
Đặc biệt, lĩnh vực mới mà chúng tôi sẽ tiến hành tới đây là kế hoạch phát triển nông nghiệp bền vững ở Đồng bằng sông Cửu Long. Theo đó, tập trung sản xuất tôm và quả thanh long, phát triển những loại cây trồng có thể phát triển tại vùng đất nhiễm mặn.
Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) được kỳ vọng sớm ký kết trong thời gian tới. Điều này sẽ mang lại những cơ hội gì cho nông sản Việt Nam có thể tiếp cận sâu hơn tới thị trường Hà Lan, thưa bà?
Tôi biết là Việt Nam có tham vọng và tiềm năng lớn để trở thành nhà xuất khẩu nông sản hàng đầu lớn trong khu vực và toàn cầu. Việt Nam cũng đã xuất khẩu khối lượng lớn hàng nông sản vào thị trường EU nói chung và Hà Lan nói riêng, được đón nhận rất tốt. Điều này cho thấy, các mặt hàng nông sản của Việt Nam có tiềm năng rất lớn, mặc dù vẫn còn những rào cản và thách thức cần phải vượt qua. Việt Nam và Hà Lan cũng đã và đang hợp tác với nhau để giải quyết những vấn đề này.
EVFTA là thỏa thuận thương mại quan trọng đối với cả hai bên. Hy vọng hiệp định này có thể được ký càng sớm càng tốt để hai bên tận dụng được tối đa lợi ích từ hiệp định này.
Theo bà, Việt Nam làm thế nào để huy động nguồn vốn cho phát triển nông nghiệp sạch trong bối cảnh Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình và không còn được nhận nhiều ưu đãi từ các nước phát triển nữa?
Về vấn đề này, tôi muốn nhấn mạnh đến vai trò của kinh tế tư nhân. Khi tiếp tục phát triển đất nước nói chung và nông nghiệp nói riêng, đặc biệt là nông nghiệp sạch, nguồn đầu tư của khu vực kinh tế tư nhân quan trọng nhất, đó cũng là cách thức để các quốc gia châu Âu phát triển.
Chính phủ Hà Lan đã tham gia nghị trình phát triển nông nghiệp nhưng không đầu tư phát triển nhiều mà chủ yếu hỗ trợ hệ thống kiến thức và đầu vào cho người nông dân, tạo cơ chế pháp lý thu hút DN đầu tư.
Theo đó, Chính phủ xây dựng hệ thống để người nông dân cùng DN sản xuất nông nghiệp có điều kiện thuận lợi. Có thể hỗ trợ các khoản vay cho các bạn trẻ và nông dân đầu tư mới, những công cụ, công nghệ mới để người nông dân, DN thực hiện đầu tư quan trọng bảo đảm sự phát triển.
Hà Lan có đất canh tác ít, dân số không nhiều nhưng là nước mạnh về nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao. Việt Nam có thể học tập được gì từ Hà Lan về chính sách phát triển lĩnh vực này, thưa bà?
Do quỹ đất ít, chúng tôi đã áp dụng công nghệ “dùng vốn thay đất”. Tập trung áp dụng các biện pháp thâm canh cao, nâng cao năng suất trên một đơn vị diện tích, tạo ra năng suất cao gấp nhiều lần năng suất bình quân thế giới.
Để tạo ra hiệu suất cao của đất, chúng tôi đã hình thành hệ thống nhà kính với công nghệ hiện đại nhất thế giới. Bên cạnh đó, tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện nguồn lực tự nhiên. Tập trung phát triển các mặt hàng nông sản chủ lực có sức cạnh tranh xuất khẩu, bao gồm sản phẩm hoa – rau – cây cảnh, thịt, sữa và trứng. Điều quan trọng nữa là chú trọng giáo dục, đào tạo để nâng cao trình độ của lao động nông nghiệp.
Chúng tôi có “tam giác vàng” là nền tảng tạo sự thành công, đó chính là Chính phủ- người nông dân/DN- nhà nghiên cứu; hệ thống nghiên cứu tốt, sự trao đổi hai chiều với người nông dân và DN. Người nông dân và DN có thể trao đổi trực tiếp các vấn đề gặp phải để nhà nghiên cứu xem xét cách thức giải quyết, kiến thức sẽ được cung cấp theo hình thức đa chiều…
Các DN tư nhân và tổ chức nghiên cứu giàu kinh nghiệm của Hà Lan luôn sẵn sàng hỗ trợ và hợp tác với Việt Nam. Điều quan trọng là có thể hợp tác ở cấp độ DN giữa hai nước để chia sẻ kiến thức về công nghệ. Hiện, hai bên cũng đã có chương trình hợp tác trong chuỗi giá trị cho các ngành hàng như sản phẩm sữa, khoai tây, nuôi tôm. Chúng tôi đã chuyển giao nhiều kiến thức và công nghệ cho Việt Nam trong các lĩnh vực này và đã có những tiến bộ nhất định trong nhiều năm qua.
Bên cạnh đó, để giải quyết những thách thức của Việt Nam trong vấn đề tối ưu hóa việc sử dụng đất đai nông nghiệp, chúng tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chuyển giao công nghệ và chia sẻ kiến thức nông nghiệp trong việc hợp tác hai bên. Đội ngũ chuyên gia của Hà Lan đã tư vấn cho Việt Nam xây dựng Kế hoạch Châu thổ sông Cửu Long (MDP) vì sự phát triển bền vững của khu vực này.
Xin trân trọng cảm ơn bà!
Nguồn: https://congthuong.vn/san-sang-chia-se-kinh-nghiem-phat-trien-nong-nghiep-ben-vung-118834.html
SẢN PHẨM MỚI
TIN TỨC