HỎI ĐÁP l HOTLINE:
message
lv@phanbonlongviet.com
‘Dị nhân’ cà phê đặc sản

Anh Tư bên vườn cà phê đặc sản

TP – Sau những trăn trở ở thủ phủ cà phê liệu mình có thực sự được uống cà phê sạch không, anh Lê Đình Tư đã lựa chọn con đường đi riêng, chỉ làm cà phê chất lượng cao và cà phê đặc sản.

Ở thủ phủ cà phê, liệu có được uống cà phê sạch?

Trong một lần đi công tác Đắk Lắk, tôi tình cờ được anh Thắng (45 tuổi, Hà Nội) dẫn đến thưởng thức cà phê tại nông trại của một người tên Tư mà anh coi là một “Dị nhân cà phê”. Hỏi ra mới biết, “dị nhân” này có lối đi riêng, chỉ làm cà phê chất lượng cao và cà phê đặc sản, xem đó như Tuyên ngôn Cà phê. Chưa kể, “dị nhân” có thể tự tay pha chế các ly cà phê theo khẩu vị riêng của từng khách hàng chỉ sau một lần họ đến uống.

Nhân viên Aeroco Coffee tỉ mỉ phân loại cà phê nhân

Nông trại của anh Tư khá đặc biệt, nằm sát cạnh hồ Eakao thơ mộng, cách trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột khoảng 12km về phía Đông Nam. Bước chân tới cổng nông trại, đập vào mắt tôi là một bức tranh thiên nhiên tươi mát, xanh mướt, rất đỗi bình yên với một bên là vườn hoa sao nhái vàng ươm, ong bướm tung tăng bay lượn, và một bên là rẫy cà phê với thiết kế 4 tầng bậc.

Chỉ nhìn thoạt qua, du khách bắt đầu thấy được sự đặc biệt của kiểu thiết kế nông trại đa dạng sinh học này. Cụ thể, ngoài ưu điểm tô sắc cho khu vườn, mùi thơm nhẹ tạo cảm giác dễ chịu, thư giãn, thoải mái cho con người, vườn hoa sao nhái còn có tác dụng thanh lọc không khí, loại bỏ những chất độc hại gây ảnh hưởng tới sức khỏe. Ngoài hoa sao nhái, nơi đây còn có hoa hướng dương, hoa thược dược, hồng…

Cà phê được phơi khoa học, bài bản

Đang mải ngắm vườn hoa, chủ trang viên Lê Đình Tư xuất hiện. Không quần áo là lượt, không vuốt keo chải tóc, Đình Tư giản dị, đích thực nhà nông khi vận trên người chiếc quần kaki, áo phông, mái tóc xoăn he, da ngăm đen đậm chất nắng gió Tây Nguyên. Lê Đình Tư là Giám đốc Cty TNHH một thành viên MINUDO FARMCARE, người dân nơi đây quen gọi là ông chủ trang trại Aeroco coffee.

Đình Tư giới thiệu: “Vườn cây được thiết kế theo 4 tầng bậc. Trong đó, tầng trên cùng là cây bình linh che bóng với tán nhỏ, lá thưa đủ cho ánh sáng xuyên qua các tầng dưới để quang hợp, thân cây làm trụ sống trồng tiêu, về sau có thể lấy gỗ sản xuất đồ nội thất.

Tầng thứ hai là các loại cây ăn quả trồng xen (bơ, sầu riêng) mang lại nguồn thu nhập thường xuyên để lấy ngắn nuôi dài. Tầng thứ ba là cây trồng chính cà phê với loại giống cho năng suất cao, chất lượng, mật độ thưa hơn bình thường, có thể thu hoạch từ 8 – 10 tấn cà phê tươi/ha.

Tầng cuối cùng là thảm thực vật (cỏ và lá khô, mục) đủ che phủ đất để tạo độ tơi xốp cho hệ thống rễ cà phê hấp thu dinh dưỡng, hạn chế rửa trôi và bốc hơi nước vào mùa khô, cung cấp nguồn dinh dưỡng hữu cơ cho các loại cây trong vườn”.

Theo chủ trang trại, từng hơn 10 năm làm việc cho một công ty phân bón tên tuổi lớn phía Nam. Ông nhận thấy với cách trồng và chăm sóc của nhà nông lúc đó chủ yếu sử dụng phân bón hóa học nhiều nên sản lượng cà phê ban đầu tăng song không đồng đều về chất lượng. Bên cạnh đó, tình trạng hái cà phê xanh diễn ra phổ biến, làm giảm giá trị của ngành hàng cà phê. Cây cà phê sẽ nhanh chóng tàn lụi sau vài vụ thu hoạch.

“Năm 2015 tôi bắt đầu thuê đất trồng cà phê. Tôi lên Gia Lai học kinh nghiệm trồng và chế biến cà phê tại một nông trại, được các chuyên gia đến từ Mỹ, Úc, Ấn Độ chỉ dạy. Sau đó, tôi về xã Eakao đầu tư mua đất rẫy, san ủi, chọn giống tốt từ Viện Khoa học nông nghiệp Tây Nguyên về trồng và chăm sóc”, anh Tư kể.

Để thực tế hơn, anh Tư dẫn chúng tôi dạo quanh một vòng nông trại. “Quy trình của chúng tôi cùng với bà con nông dân và Viện Khoa học nông nghiệp Tây Nguyên quyết không sử dụng bất kỳ một loại thuốc bảo vệ thực vật nào. Chăm bón cây cà phê hoàn toàn bằng hữu cơ, tự nhiên thân thiện môi trường.

Sản lượng có thể thấp nhưng chất lượng hạt cà phê của Aeroco tạo ra lại là một kết quả hoàn toàn khác biệt khi chúng tôi thu hái trái cà phê chín mọng hoàn toàn, nhằm giữ hương vị cà phê thơm ngon tự nhiên với vị cà phê Aeroco đặc trưng riêng biệt”, vừa đi, anh Tư vừa mô tả.

Nhiều năm trải nghiệm với trồng trọt, chế biến cà phê, anh Tư cho biết, từ cà phê nhân thô đến cà phê rang hoàn thiện là một quá trình đầy chông gai thử thách. Để khai thác trọn vẹn hương vị của loại cà phê đặc biệt (specialty), quá trình rang phải dựa trên phẩm chất hạt cà phê, phát triển đúng hương vị cuối cùng của specialty coffee. Một thợ rang kém tay nghề, thiết bị không vận hành đúng cách, vật liệu đóng gói kém… đều sẽ hủy hoại loại cà phê đầy tiềm năng.

Nông dân và khách hàng hưởng lợi

Theo anh Lê Đình Tư, để có những sản phẩm cà phê đặc trưng, chất lượng cao, ngoài công đoạn sản xuất trên vườn theo phương thức nói trên, trang trại Aeroco còn triển khai các khâu như: Thu hoạch với tỷ lệ chín cao; phân loại kích cỡ, sơ chế, phơi khô với thời gian nghiêm ngặt cho từng loại sản phẩm cà phê mà các đơn vị đặt hàng đưa ra; chế biến, phân tích đánh giá chất lượng sản phẩm.

Theo “dị nhân” này tới nay, anh đã bỏ ra khoảng 20 tỷ đồng để đầu tư cho nông trại Aeroco coffee. Riêng kho bảo quản cà và máy móc đã 10 tỷ. Trong kho, 10 máy điều hòa cỡ lớn hoạt động 24/24h. Tổng diện tích cà phê công ty này quản lý khoảng 20ha. Còn lại chủ yếu ông Tư liên kết với nông dân ở huyện Ea Hleo, Krông Năng. Tất cả những sản phẩm cà phê liên kết với nông dân sẽ được bao tiêu với giá cà phê tươi cao gấp nhiều lần so với giá thị trường.

Ngoài ra, đơn vị còn liên kết sản xuất cà phê Arabica dưới tán rừng với một số bà con người dân tộc tại thị trấn Măng Đen thuộc huyện Kon Plông (tỉnh Kon Tum), nơi có độ cao 1.200m so với mực nước biển với kỳ vọng tạo ra sản phẩm cà phê chất lượng cao, bao tiêu cà phê tươi với giá cao, mang lại thu nhập cho bà con nông dân nơi đây từ 150 – 200 triệu đồng/ha.

Nguồn: https://tamviet.tienphong.vn/di-nhan-ca-phe-dac-san-post1371823.tpo