Chuyển dịch sang định hướng kinh tế nông nghiệp cần đội ngũ những người làm nông, mô hình sản xuất liên kết chuyên nghiệp, mở ra tầm nhìn mới cho nền nông nghiệp.
Trong bối cảnh nền nông nghiệp Việt Nam đang chuyển sang định hướng kinh tế nông nghiệp, việc xóa bỏ tư duy sản lượng, hướng đến gia tăng lợi nhuận bền vững cho bà con nông dân đang được ngành nông nghiệp đặc biệt quan tâm. Và câu chuyện chuyên nghiệp cũng trở thành đề tài nóng. Chuyên nghiệp trong các mô hình sản xuất, đội ngũ nông dân chuyên nghiệp và chuyên nghiệp trong cả các mối liên kết, mở ra tầm nhìn mới cho nền nông nghiệp vốn được đánh giá là manh mún, nhỏ lẻ ở nước ta hiện nay.
Nông dân chuyên nghiệp là người có tri thức, kiến thức, kỹ năng sản xuất, vừa có tư duy kinh tế. Ảnh: Kim Anh.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan đã từng chia sẻ, nông dân chuyên nghiệp là người có tri thức, kỹ năng sản xuất, vừa có tư duy kinh tế. Hơn hết, nông dân chuyên nghiệp là người có tâm, biết nghĩ đến sức khỏe của người khác, vì lợi ích chung của cộng đồng. Đồng thời, hành động vì một nền nông nghiệp phát triển bền vững cho thế hệ tương lai. Nông dân chuyên nghiệp cũng là người hiểu rõ sức mạnh của tinh thần hợp tác, tự nguyện tham gia vào các tổ chức kinh tế tập thể…
Hiện nay, khi nền nông nghiệp đang tiếp cận theo xu hướng mới đòi hỏi bà con nông dân phải có suy nghĩ mới. Yếu tố thị trường đang nắm vai trò quyết định về giá và cả thu nhập của nông dân. Nếu như trước kia, nông dân sản xuất dựa vào kinh nghiệm, hiệu quả chỉ phát huy được trong không gian hẹp, khi thị trường thay đổi, điều kiện đất đai đã khác, những kinh nghiệm đó đã không còn phù hợp và không phát huy tác dụng.
Tình hình hiện nay đòi hỏi phải có sự hợp tác giữa bà con nông dân, nông dân với doanh nghiệp và giữa các doanh nghiệp với nhau. Điển hình tại tỉnh Đồng Tháp, từ một vài hội quán đầu tiên, đến nay qua hơn 5 năm, toàn tỉnh đã phát triển trên 120 hội quán trải điều khắp các xã, phường, thị trấn trong tỉnh. Các hội quán với mục tiêu giúp nông dân xích lại gần nhau, cùng trao đổi kinh nghiệm, giúp đỡ nhau trong sản xuất, để xóa bỏ phong tục “đèn nhà ai nhà nấy sáng”. Rồi bà con nông dân dần tiếp cận với khoa học kỹ thuật mới, nắm bắt được thông tin thị trường. Từ đó, nông dân Đồng Tháp đã có những thay đổi ngoạn mục trong sản xuất, từ sản xuất theo mùa vụ, đến nay bà con đã rải vụ và biết cách đưa sản phẩm nông sản ra thị trường thế giới.
Tỉnh Đồng Tháp phát triển trên 120 hội quán giúp nông dân tiếp cận khoa học kỹ thuật, nắm bắt thông tin và kiến thức sản xuất mới. Ảnh: Kim Anh.
Theo chia sẻ của ông Nguyễn Văn Thuận, Chủ nhiệm Canh Tân Hội quán chuyên sản xuất nhãn ở ấp An Hòa, xã An Nhơn, huyện Châu Thành, từ mô hình hội quán ban đầu, hiện nay đơn vị này đã hình thành Hợp tác xã (HTX) nông sản an toàn An Hòa. HTX có trên 120 thành viên tham gia sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, LocalGAP. HTX đã được cấp mã số vùng trồng để xuất khẩu trái nhãn sang thị trường châu Âu, Úc, Mỹ, Nhật, Trung Quốc…
Quan trọng hơn, bà con xã viên của HTX còn mong muốn được tiếp cận khoa học kỹ thuật, tìm hiểu thông tin về thị trường, đặc biệt là kỹ năng đàm phán, tìm kiếm thị trường liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
PGS.TS Nguyễn Duy Cần, Trưởng Khoa Phát triển nông thôn, Trường Đại học Cần Thơ cho biết, thời gian qua trường đã thực hiện nhiều chương trình, dự án trong và ngoài nước nhằm chuyển giao, truyền đạt những tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới về nông nghiệp đến với bà con nông dân.
PGS.TS Nguyễn Duy Cần, Trưởng Khoa Phát triển nông thôn, Trường Đại học Cần Thơ tâm đắc sáng kiến đưa giáo dục nông nghiệp vào chương trình hướng nghiệp cho học sinh trung học. Ảnh: Kim Anh.
Điển hình, Viện Nghiên cứu Phát triển ĐBSCL thuộc Trường Đại học Cần Thơ đã triển khai dự án “Bảo tồn và Phát triển đa dạng sinh học cộng đồng tại ĐBSCL”. Qua 15 năm triển khai, dự án này đã đào tạo, huấn luyện trên 20.000 nông dân về kỹ thuật chọn và sản xuất giống cộng đồng, thành lập 358 tổ sản xuất, hàng năm cung cấp trên 100.000 tấn lúa giống cấp xác nhận, đáp ứng 20 – 30% tổng nhu cầu về giống lúa.
Những nông dân này đã trở thành đội ngũ những người làm nông chuyên nghiệp, có kiến thức, kỹ năng chọn tạo giống lúa mới, góp phần đáng kể trong chiến lược xã hội hóa công tác giống lúa ở các tỉnh ĐBSCL.
Nói về con đường hướng đến phát triển đội ngũ nông dân chuyên nghiệp, PGS.TS Nguyễn Duy Cần đưa ra quan điểm, định hướng giáo dục nông nghiệp cho học sinh phổ thông là con đường mang tính chiến lược dài hạn, hướng đến phát triển đội ngũ người làm nông chuyên nghiệp. Để hiện thực hóa chiến lược này, một nỗ lực của Trường Đại học Cần Thơ là từng bước giới thiệu hoạt động giáo dục nông nghiệp vào chương trình hướng nghiệp cho học sinh từ cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông một cách chính thống.
Lấy kinh nghiệm từ Nhật Bản, một trong những quốc gia có nền nông nghiệp phát triển mạnh trên thế giới, giáo dục nông nghiệp cho trẻ đã trở thành điều bắt buộc. Ông Ino Mayu, một chuyên gia về phát triển cộng đồng ở Việt Nam cho biết: “Người Nhật hiện nay ngày càng ít làm nông. Nhưng Chính phủ thì không ngừng khuyến khích, giáo dục cho trẻ em biết đến nông nghiệp là những bài học bắt buộc”.
Hay tại Thái Lan, PGS.TS Nguyễn Duy Cần tâm đắc, nước bạn đã có sáng kiến đưa giáo dục nông nghiệp vào chương trình hướng nghiệp cho học sinh trung học rất sớm. Nhà trường tổ chức cho học sinh sưu tập các nguồn gen cây trồng, các lớp học trên đồng ruộng… Các nhà giáo dục Thái Lan tin tưởng rằng, những hoạt động này sẽ giúp học sinh quý trọng nông nghiệp.
Cách làm này khá giống với nguồn gốc hình thành “Ngân hàng giống lúa tại ĐBSCL” mà GS.TS Võ Tòng Xuân khởi xướng cho sinh viên ngành trồng trọt sưu tập các giống lúa bản địa, rồi thực hiện lưu giữ bảo tồn cho đến hôm nay, với hàng ngàn giống quý hiếm.
Ngân hàng giống lúa được đặt tại Khoa Nông nghiệp, Trường Đại học Cần Thơ. Ảnh: Kim Anh.
Từ kinh nghiệm thực tế ở các quốc gia có nền nông nghiệp phát triển khá thành công, PGS.TS Nguyễn Duy Cần đưa ra giải pháp, nên chăng có một mô hình trường trung học nông nghiệp để đào tạo nông dân tương lai. Ở mô hình này, học sinh trung học ngoài được học kiến thức về văn hóa, sẽ được trang bị kiến thức về khoa học nông nghiệp ứng dụng, tham gia thực hành toàn bộ chuỗi giá trị sản xuất của ngành nông nghiệp. Đây là mô hình ĐBSCL có thể tham khảo, ứng dụng để hỗ trợ con đường hướng đến phát triển đội ngũ người làm nông chuyên nghiệp.
Ông Đặng Quốc Tuấn, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Nam Miền Trung. Ảnh: Kim Anh.
Ở góc nhìn doanh nghiệp, ông Đặng Quốc Tuấn, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Nam Miền Trung, một doanh nghiệp chuyên về phát triển ngành tôm ở ĐBSCL cho rằng, để hình thành đội ngũ người làm nông chuyên nghiệp, thì không chỉ nông dân mà bản thân doanh nghiệp cũng phải chuyên nghiệp. Để làm điều này, doanh nghiệp này đã triển khai nhiều hoạt động đào tạo chuyên sâu lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, nâng cao tri thức cho nhân viên, đội ngũ quản lý của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, trong quá trình vận hành phải chuẩn hóa các quy trình.
Doanh nghiệp phải đồng hành với nông dân mới có thể đo được hiệu quả. Bên cạnh đó, giữa các doanh nghiệp phải có sự liên kết với nhau bởi không một doanh nghiệp nào có thể “bao sân”. Nuôi tôm cần doanh nghiệp làm giống, thức ăn, thuốc… từ đây có thể lập ra các hội, nhóm để cùng nhau làm việc chuyên nghiệp. Ông Tuấn khẳng định, hiện nay nền nông nghiệp Việt Nam đang chuyển dịch theo định hướng này, đây là xu hướng tất yếu.
Nguồn: https://nongnghiep.vn/lam-nong-chuyen-nghiep-xoa-tu-tuong-den-nha-ai-nha-nay-sang-d333197.html
SẢN PHẨM MỚI
TIN TỨC