HỎI ĐÁP l HOTLINE:
message
lv@phanbonlongviet.com
Tự tin tạo dựng thương hiệu Nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long

ĐBSCL đủ khả năng trở nên thịnh vượng, thành hình mẫu cho các đồng bằng trên thế giới, tự tin tạo dựng thương hiệu ‘Mekong Delta’, thắp sáng ‘Khát vọng Nông nghiệp Đất Chín Rồng’.

Lời tòa soạn:

Ngày 22/4, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan có bài tham luận quan trọng tại Hội nghị Quán triệt, Triển khai Nghị quyết 13-NQ/TW ngày 2/4/2022 của Bộ Chính trị về Phương hướng Phát triển Kinh tế – Xã hội, Bảo đảm Quốc phòng, An ninh Vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Báo Nông nghiệp Việt Nam trân trọng toàn văn bài phát biểu. Tựa trong bài viết do tòa soạn đặt.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Hội nghị Quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến 2030, tầm nhìn 2045.

Đồng bằng sông Cửu Long là vùng trọng điểm nông nghiệp của quốc gia, bao gồm thuỷ sản, cây ăn quả, lúa gạo. Mặc dù lúa gạo không còn độc tôn như trước đây, nhưng vẫn luôn giữ vai trò chiến lược trong việc bảo đảm an ninh lương thực, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng nông nghiệp và là sinh kế của hàng triệu nông dân. “Biến đổi khí hậu, biến động thị trường, biến chuyển xu thế tiêu dùng”, cùng định hướng phát triển nông nghiệp “hàng hoá, sinh thái, bền vững” theo tinh thần Nghị quyết 13 của Bộ Chính trị, đặt ra yêu cầu mới hơn, cách tiếp cận phù hợp hơn, trong một xu thế đã thay đổi khác hơn.

Tôi chia sẻ với Hội nghị lời tâm sự chân tình của một lão nông vùng miền Tây sông nước:“Chỉ cần lúa có giá, nông dân chúng tôi sẵn sàng ra đồng giăng mùng ngủ giữ lúa. Chứ giá lúa thấp, thì nông dân sẽ bỏ ruộng, đó mới là mất an ninh lương thực”. Theo số liệu từ Khảo sát mức sống dân cư về giá trị gia tăng bình quân mỗi hec-ta hàng năm, canh tác lúa thấp hơn từ khoảng 2 đến 3 lần so với canh tác các loại cây trồng khác và nuôi trồng thuỷ sản.

Nếu chỉ dựa trên các chỉ tiêu về diện tích, năng suất, sản lượng đơn thuần, rủi ro“nông dân bỏ ruộng vì giá lúa thấp” vẫn cứ hiện hữu. Tôi cho rằng, đây cũng là trăn trở chung của các đồng chí lãnh đạo địa phương trước lời nguyền: thu nhập từ nông nghiệp đã thấp, thu nhập từ trồng lúa lại càng thấp hơn, cũng giống như các địa phương giữ rừng càng nhiều, thì càng khó khăn hơn.

Nhận diện thực trạng đáng lo ngại này, nhiều địa phương trong vùng đã mạnh dạn thí điểm điều chỉnh, đổi mới các mô hình canh tác. “Lúa thơm – tôm sạch”, “chuyển đổi từ độc canh cây lúa sang đa canh, xen canh”, “nuôi tôm dưới tán rừng” hay “kết hợp dịch vụ du lịch, ẩm thực trên cánh đồng lúa” đã giúp bà con nông dân bán đảo Cà Mau, Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên “sống khoẻ” hơn, thu nhập tốt hơn. Những mô hình khởi nghiệp nông nghiệp, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ, hướng đến“nông nghiệp xanh, sinh thái, bền vững” đang dần thay thế tình trạng “đất ghiền phân vô cơ như người ghiền á phiện, con rầy nâu khoét rỗng cả mùa màng”.

Thủ tướng Phạm Minh Chính khảo sát công trình thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé.

Nhờ các mô hình như “con tôm ôm cây lúa” theo cách gọi dân dã, cây lúa không còn đứng riêng rẽ một mình, không phải “gồng mình” tăng vụ. Đất trồng có thêm thời gian để “thở”, để ngơi nghỉ, để đắp bồi phù sa. Chất lượng hạt gạo dần được cải thiện, sinh kế mở rộng nhờ vào nguồn lợi từ con tôm, con cá, cây trồng đa canh, xen canh, dù diện tích canh tác không hề tăng lên. Đây có thể được xem là hướng đi phù hợp với xu thế hiện nay, thị trường xuất khẩu gạo ngày càng ưu tiên chất lượng, khi tiêu dùng xanh là một xu thế không thể đảo chiều.

Người tiêu dùng giảm dần lượng tiêu thụ và quan tâm nhiều hơn đến quy trình canh tác, an toàn, vệ sinh thực phẩm. Từ Đồng bằng, những điểm sáng thay đổi về phương thức sản xuất đã được nhóm lên bằng sự năng động, chủ động thích ứng với điều kiện mới của lãnh đạo, doanh nghiệp và người nông dân trong Vùng. Vấn đề tiếp theo là chúng ta cùng nhau đánh giá, lan toả và hệ thống thành chiến lược phát triển bền vững.

Kết luận 81 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 34 của Chính phủ về “Bảo đảm an ninh lương thực quốc gia đến năm 2030” nhất quán quan điểm: “Việc giữ đất lúa là cần thiết để bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, nhưng phải bảo đảm sinh kế, thu nhập cho người trồng lúa, trên cơ sở phát huy nguồn lực của Nhà nước, Nhân dân và các thành phần kinh tế”.

Ngoài ra, khái niệm “an ninh lương thực” dần được mở rộng thành “an ninh lương thực, thực phẩm và cân bằng dinh dưỡng”. Với góc nhìn này, đất canh tác nói chung, đất trồng lúa nói riêng, được tiếp cận theo hướng “đa chức năng, đa công dụng”, hướng đến “tối ưu hoá giá trị tăng thêm trên một đơn vị diện tích”. Đó chính là chuyển từ “tư duy sản xuất nông nghiệp” sang “tư duy kinh tế nông nghiệp” như Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững đã xác định.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan thăm cánh đồng lúa tại ĐBSCL.

Sông Cửu Long chín cửa hai dòng. Nguồn nước sông Tiền, sông Hậu dồi dào, đất đai màu mỡ tạo nên thương hiệu vùng đất trù phú và hào sảng. Nhưng đấy là chuyện của những ngày đã qua. Biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, suy giảm tài nguyên nước, một số cửa sông bị bồi lắng, rồi biến mất, dòng chảy ít nhiều bị tác động bởi các công trình đập nước, hồ chứa ở thượng nguồn gây hệ luỵ sụt lún, sạt lở,… liên tục gửi đi hàng loạt cảnh báo đáng lo ngại về “những ngày cuối của dòng Mekong hùng vĩ”, như tên tựa đề một cuốn sách. Xác định tính cấp thiết của thách thức này, Nghị quyết 13 của Bộ Chính trị nhấn mạnh quan điểm phát triển vùng: “lấy tài nguyên nước là yếu tố cốt lõi”.

Tài nguyên nước không chỉ giới hạn ở “nước ngọt”, mà còn cả “nước lợ, nước mặn”. Tài nguyên nước gắn kết chặt chẽ, mật thiết với các vùng sinh thái nông nghiệp đa dạng, dựa vào nguồn nước, bao gồm: “vùng sinh thái nước ngọt, vùng sinh thái mặn – lợ, vùng chuyển tiếp ngọt lợ, ngọt – lợ luân phiên”.

Tinh thần “chủ động, linh hoạt” thích ứng với sự thay đổi sẽ tiếp tục mở ra dư địa phát triển mới. Như cách thức một nhà khoa học phát minh thiết bị cảm biến tích hợp trí tuệ nhân tạo, đo đạc nồng độ mặn ngọt trên dòng Cổ Chiên, Trà Vinh, vốn thay đổi khác nhau theo giờ trong ngày, để tính toán thời điểm bơm nước tưới tiêu tốt nhất. Như cách thức các nhà nông học, người nông dân tâm huyết kiên trì lai tạo các giống cây trồng chịu hạn, chịu mặn, mà thành công nhất là các loại giống dòng ST và nhiều giống bản địa đang được phục tráng khác.

Với nguyên tắc “thuận thiên có kiểm soát”, các công trình thủy lợi cấp vùng và tiểu vùng sẽ tiếp tục được khai thác hiệu quả, tổ chức quản lý, vận hành thống nhất, an toàn, phù hợp với định hướng chuyển đổi, cơ cấu lại ngành nông nghiệp, tiêu biểu như hệ thống thuỷ lợi Cái Lớn – Cái Bé vừa đi vào hoạt động. Đồng thời, các giải pháp phi công trình, nâng cao năng lực cộng đồng, cải thiện sinh kế cho người dân sẽ được kết hợp hài hoà, đồng bộ.

ĐBSCL là vùng sản lúa trọng điểm của quốc gia, với diện tích gieo trồng lúa khoảng 3,9 – 4 triệu ha/năm, sản lượng khoảng 24 triệu tấn lúa/năm.

Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, sự quan tâm, đầu tư của Trung ương, cùng với tâm thế chủ động, quyết tâm của đảng bộ, chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp và người dân, tin chắc rằng, chỉ trong vài ba năm nữa, khi hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng giao thông, vận tải, đô thị, thuỷ lợi, phòng chống thiên tai, logistics phục vụ nông nghiệp, nông thôn, thì Đồng bằng sẽ có diện mạo rất khác.

Chắc chắn, dòng chảy nông sản đến thị trường sẽ nhanh hơn, chi phí sẽ giảm hơn, sức cạnh tranh hàng hoá sẽ cao hơn. Doanh nghiệp, nhà đầu tư, nhất là đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nông nghiệp công nghệ cao, chế biến sâu, công nghiệp năng lượng, du lịch trải nghiệm theo bước chân người đi khai hoang,… sẽ đến với Đồng bằng ngày càng nhiều hơn.

Qua sông không còn phải luỵ đò, luỵ phà. Điểm nghẽn về một vùng trũng hạ tầng dần được khơi thông. Trong tâm trạng lạc quan, chúng ta cần nhắc nhau rằng, dù hạ tầng, vật chất được đầu tư đến mức nào chăng nữa, nhưng nếu không giải quyết thoả đáng những vấn đề nội tại của một vùng nguyên liệu “vừa tương đồng, vừa phân tán”, cùng sự thiếu vắng mối dây “liên kết – hợp tác” bền chặt, tình hình mất cân đối cung cầu nông sản vẫn khó có thể cải thiện.

Chúng ta cùng lưu ý rằng, những nông sản mà người nông dân Đồng bằng tạo ra được mới chỉ là “sản phẩm” trên đồng, trong vườn, dưới ao, chứ chưa tạo ra giá trị. Chỉ khi nào, những sản phẩm đó trở thành “thương phẩm”, nghĩa là đến được thị trường một cách thông suốt, nhờ đáp ứng những chuẩn mực của thị trường với mức giá cạnh tranh, chi phí sản xuất tối ưu, thì nông nghiệp Đồng bằng mới thoát khỏi lời nguyền “được mùa, mất giá”, nông dân mới trở nên khá giả.

Đó chính là chặng đường hướng tới thị trường chất lượng cao, tạo ra giá trị gia tăng cao và tăng thêm thu nhập cho người nông dân. Để đạt được mục tiêu chiến lược đó, khi và chỉ khi bắt đầu “tổ chức lại sản xuất”, trong đó tập trung phát triển hợp tác xã hoạt động đúng bản chất, sẽ hoá giải tình trạng “manh mún, nhỏ lẻ, tự phát”.

Đó là chủ trương cần nhất quán và cần được xem như một cuộc cách mạng của lãnh đạo các địa phương. Từ “tổ chức lại sản xuất” tiến đến “tổ chức lại ngành hàng” và mở rộng thành “hệ sinh thái” từng ngành hàng nông sản, dựa trên không gian phát triển cấp Vùng thống nhất, là những bước đi cần thiết và cấp thiết đễ dẫn dắt nông dân tiếp cận thị trường một cách bài bản, chuyên nghiệp.

Ngoài việc là vựa nông sản lớn của cả nước, ĐBSCL còn tiềm năng lớn để phát triển du lịch.

Sự điều phối theo chuỗi ngành hàng, tính liên kết vùng, tiểu vùng giữa các địa phương cần phải được chú trọng ngay đầu mùa vụ, chứ không phải chỉ tập trung xử lý khi nông sản ùn ứ sau thu hoạch. Mỗi địa phương cần chủ động mở rộng không gian liên kết, phát triển. Đất đai có thể manh mún, đơn vị hành chính có thể phân chia theo địa giới, nhưng tư duy không thể manh mún, không gian kinh tế không thể bị chia cắt. Giao thông dần thông suốt, liền mạch, tại sao những con người Đồng bằng từ nông dân, doanh nghiệp và đội ngũ lãnh đạo không thể kết nối với nhau?

Một doanh nhân nước ngoài đã từng chia sẻ với tôi: “Nhiều nhà đầu tư quốc tế có thể khó nhận biết chính xác và rất mơ hồ về từng địa phương riêng rẽ, nhưng chắc chắn mọi người đều biết đến một Mekong Delta – Đồng bằng sông Cửu Long”. Điều đó cho thấy tầm quan trọng trong tư duy liên kết Vùng, cùng tạo ra thương hiệu chung cho Vùng. Tính liên kết, hợp tác vừa tạo ra giá trị chung, vừa khơi gợi, thúc đẩy sự năng động, sáng tạo của từng địa phương, dần mở rộng không gian vượt ra địa giới Vùng.

Sau Hội nghị “Thúc đẩy phát triển nông nghiệp đồng bằng sông Cửu Long chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu” vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tích cực triển khai Chương trình phối hợp công tác với Ủy ban nhân dân 13 tỉnh, thành phố trong vùng. Song song đó, Văn phòng Điều phối Nông nghiệp, Nông thôn vùng Đồng bằng sông Cửu Long tại thành phố Cần Thơ đã đi vào hoạt động.

Văn phòng sẽ hỗ trợ điều phối công tác quy hoạch sản xuất, chuẩn hoá vùng nguyên liệu, hình thành mối liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ; kết nối doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, các cụm liên kết ngành nông – công nghiệp; kêu gọi đầu tư hệ thống hạ tầng kho bảo quản nông sản theo từng vùng nguyên liệu; xây dựng chuỗi ngành hàng và hệ sinh thái ngành hàng, bắt đầu là vận động thành lập các Hiệp hội ngành hàng; hỗ trợ nâng cao chất lượng hợp tác xã; thúc đẩy chuyển đổi số nông nghiệp và tham gia hỗ trợ điều phối các dự án tài trợ quốc tế có tính liên tỉnh, liên vùng.

Theo nhận định của một chuyên gia, dù đang đối diện với muôn vàn khó khăn, thách thức, chịu nhiều tác động lớn của tự nhiên, nhưng nếu biết cách khéo léo vượt qua, Đồng bằng sông Cửu Long hoàn toàn đủ khả năng trở nên thịnh vượng, thành hình mẫu cho các đồng bằng khác trên thế giới, tự tin tạo dựng thương hiệu Đồng bằng sông Cửu Long – “Mekong Delta”, thắp sáng “Khát vọng Nông nghiệp Đất Chín Rồng”.

Cá tra, tôm cũng là một trong những sản phẩm thế mạnh của ĐBSCL, đóng góp hàng tỷ USD cho kim ngạch xuất khẩu.

Thật xúc động khi xem phóng sự trên Truyền hình quốc gia về Đồng bằng sông Cửu Long phát sóng cách đây 2 ngày, nhằm chuẩn bị cho Hội nghị hôm nay. Hình ảnh gần cuối phóng sự thật đáng ngẫm nghĩ. Một dòng sông khô kiệt. Một cánh đồng chai cằn, vì thiếu phù sa và mất đi dưỡng chất do lạm dụng phân thuốc hoá học. Một bờ biển sạt lở, kéo theo từng cánh rừng trôi ra biển.

Nhưng phần cuối của phóng sự bật lên nhiều cảm xúc lạc quan: hình ảnh những cánh đồng lúa trĩu hạt, những khu vườn sai trái trĩu quả, những vuông tôm ôm cây lúa, những cánh rừng xanh ngát bên những cánh quạt điện gió đang quay. Đó chính là hình ảnh chúng ta hằng mong ước về nông nghiệp, nông thôn, nông dân Đồng bằng sông Cửu Long từ Nghị quyết 13 vừa được ban hành. Và đó cũng là bước đầu Đồng bằng hiện thực hoá tư tưởng chỉ đạo theo tinh thần của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng “Gắn kết chặt chẽ nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ; sản xuất với bảo quản, chế biến, xây dựng thương hiệu, tiêu thụ, nâng cao giá trị nông sản trong các chuỗi giá trị”.

Từ tinh thần Nghị quyết hôm nay, Đồng bằng sông Cửu Long trong tương lai sẽ được nhận biết sâu sắc với hình ảnh vùng kinh tế – xã hội phát triển hài hoà, thuận thiên, “toàn diện theo hướng sinh thái, văn minh, bền vững, mang bản sắc sông nước”.

Nguồn: https://nongnghiep.vn/tu-tin-tao-dung-thuong-hieu-nong-nghiep-dong-bang-song-cuu-long-d321248.html