Trước triển vọng mờ mịt của thị trường phân bón thế giới, hiện chỉ có một điều chắc chắn là nông dân sẽ phải trả nhiều tiền hơn để sản xuất vụ mùa sắp tới.
Chi phí sản xuất cây trồng tăng cao hơn do khủng hoảng nguồn cung các loại vật tư đầu vào. Ảnh: WG
Vấn đề thời sự tại hội nghị thường niên của Liên đoàn Nông nghiệp Mỹ (AFBF) cuối tuần này, hầu hết nông dân đều muốn biết đợt tăng giá vật tư đầu vào hiện nay sẽ còn kéo dài bao lâu?
Do nhu cầu phân bón toàn cầu tăng đột biến vào năm 2021 khi nguồn cung giảm, đã đẩy giá hàng loạt chất dinh dưỡng cây trồng tăng tới 150% so với cùng kỳ năm 2020. Trong nhiều tháng liền, nhiều chuyên gia chỉ có thể giải thích rằng “có một thế giới đang đói hơn” nên cần phải gia tăng sản lượng trồng trọt.
Các chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh này thì câu chuyện bên cầu của phân bón dễ nói hơn bên cung bởi nó ẩn chứa nhiều vấn đề phức tạp làm đẩy giá cả tăng cao hơn.
Xét về tương quan, trong khi Mỹ là nhà sản xuất phân bón lớn thứ ba thế giới nhưng nước này chỉ sử dụng chừng 10% nguồn cung phân bón toàn cầu. Tuy nhiên, do nông dân Mỹ luôn dẫn đầu thế giới về sản xuất ngô và đậu tương, nên việc sử dụng phân bón của nước này vượt xa sản lượng. Trên thực tế, 70% việc sử dụng chất dinh dưỡng của nông dân Mỹ là dành cho việc sản xuất ngô, đậu nành và lúa mì.
Theo các nhà kinh tế AFBF, chìa khóa để dự đoán khi nào đợt tăng giá đầu vào hiện tại chấm dứt liên quan đến việc nắm bắt được mô hình tương lai của nhu cầu phân bón toàn cầu cũng như sự phụ thuộc của các nhà sản xuất phân bón lớn nhất thế giới.
“Điều đáng lưu ý là không chỉ nhu cầu sử dụng phân bón khác nhau trên khắp thế giới, mà sản lượng cũng khác nhau”, nhà kinh tế cấp cao Veronica Nigh của AFBF, nói trước hội nghị ở Atlanta, Georgia hôm thứ Bảy.
Trong lĩnh vực phân đạm, Nga, Trung Quốc và Ả Rập Xê Út vẫn là những nhà xuất khẩu hàng đầu. Còn xuất khẩu phân lân dẫn đầu hiện vẫn là Trung Quốc, Maroc và Nga. Trên thị trường phân kali, Canada, Belarus và Nga đang nắm giữ ba vị trí đầu tiên về xuất khẩu chủng loại này.
“Ngay cả những nhà sản xuất lớn nhất hiện cũng chỉ sản xuất từ 10-25% nhu cầu của thế giới. Vì vậy, điều đó có nghĩa là có thể có sự gián đoạn ở nhiều nơi khác nhau, có tác động đến nhu cầu phân bón và giá cả trên khắp thế giới”, bà Nigh nói.
Nhìn lại cuộc khủng hoảng giá vật tư đầu vào sản xuất nông nghiệp năm 2021, nhất là giá dinh dưỡng cây trồng tăng đột biến do gián đoạn sản xuất, thời tiết, Covid-19, miễn trừ thương mại; vận tải cùng với các yếu tố cung/cầu toàn cầu. Tất cả kết hợp lại để tạo thành một cú sốc đối với chi phí sản xuất cây trồng tăng cao hơn.
Chuyên gia kinh tế cấp cao Veronica Nigh của AFBF. Ảnh: Getty
Các nhà kinh tế AFBF cho biết, trong tương lai diện tích trồng trọt ở Mỹ và toàn cầu tăng lên có thể khiến giá phân bón không giảm.
“Diện tích cây trồng của chúng tôi (Mỹ) tăng, nhưng diện tích ở các quốc gia khác cũng như vậy. Nếu bạn nhìn vào các đối thủ cạnh tranh của chúng tôi như Argentina và Brazil, họ cũng đã trải qua những mùa vụ khó khăn. Giờ đây, họ sẽ phải tăng cường sử dụng phân bón để đảm bảo năng suất. Điều đó đồng nghĩa với nông dân khắp nơi đều cần thêm phân bón”, Shelby Swain Myers, nhà kinh tế AFBF nói.
Theo một báo cáo của AFBF: từ tháng 9 năm 2020 đến tháng 9 năm 2021, giá amoniac ở Mỹ tăng 210%, nitơ lỏng tăng 159%, urê tăng 155%, kali tăng 134%, MAP tăng 125% và DAP tăng 100%…
Nghiên cứu cho thấy, chi phí đầu vào tăng chiếm khoảng 15% tổng chi phí sản xuất tại các trang trại ở Mỹ. Do đó các chuyên gia dự báo, thị trường phân bón sẽ vẫn đứng ở mức cao cho đến hết mùa xuân năm 2022 do thiếu hụt nguồn cung.
Các nhà kinh tế AFBF cho biết, khoảng 75% đến 90% chi phí để sản xuất nitơ liên quan đến nguồn khí tự nhiên. Do đại dịch cắt giảm việc sử dụng khí tự nhiên, dẫn đến các nhà máy cắt giảm khối lượng nhiên liệu. Trong khi đó, năm 2022 đang diễn ra và nền kinh tế đang phục hồi sau đại dịch, nhu cầu về khí đốt tự nhiên sẽ tăng cao hơn.
Theo Swain Myers nói: “Sản xuất khí đốt tự nhiên, cũng như việc sử dụng nó, là một vấn đề toàn cầu. Tại Liên minh châu Âu (EU), giá khí đốt tự nhiên đã tăng hơn 300% kể từ tháng 3 năm 2021. Vì vậy, các nhà sản xuất nitơ của EU đang đóng cửa do nguyên liệu thô tăng mạnh. Những cú sốc giá này đang được chuyển đến người dùng cuối. Và, đây không chỉ là câu chuyện về nitơ, đó là câu chuyện về phốt pho, kali, và rất tiếc những loại giá này đang được chuyển sang Mỹ”.
Trong khi một số chuyên gia nhận định, thị trường phân bón tăng giá mạnh hiện nay sẽ còn kéo dài trong ít nhất sáu tháng tới thì nhiều chuyên gia khác vẫn không chắc chắn.
“Chúng tôi đã nói về đợt tăng đột biến giá phân bón năm 2008-09 và cách nó tự giải quyết sau 18-24 tháng, với vấn đề này chúng tôi không biết vì liên quan đến rất nhiều vấn đề. Khi bạn giải quyết được một vấn đề thì một vấn đề khác lại nổi lên. Chúng ta nên nhớ rằng, thuế chống bán phá giá và thuế đối kháng bổ sung đã được áp dụng đối với một số mặt hàng phân bón nhập khẩu vào Mỹ trong thời gian qua”, bà Nigh nói tại hội nghị AFBF.
Nên nhớ là nông dân thường mua tư liệu sản xuất vào cuối mỗi năm vì mục đích thuế thì họ đã không thể làm điều tương tự vào năm 2021. Ngoài ra, giá lương thực đang thúc đẩy nông dân tăng diện tích, tạo ra nhu cầu sử dụng phân bón nhiều hơn, cho dù họ phải tính toán thận trọng hơn rất nhiều so với mọi năm. “Tuy nhiên thành thật mà nói, hiện tại giá vật tư đầu vào đang tạo ra rất nhiều động lực”, theo bà Nigh.
Nguồn: https://nongnghiep.vn/chuyen-gia-phan-bon-noi-co-mot-the-gioi-dang-doi-hon-d313005.html
SẢN PHẨM MỚI
TIN TỨC