Liên kết “4 nhà” (nhà nước – nhà khoa học – nhà nông – nhà doanh nghiệp) được khuyến khích từ lâu và được xem là xu thế tất yếu trong sản xuất nông nghiệp. Phương châm “8G” của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong đó có yêu cầu gắn kết “4 nhà” này chặt chẽ hơn để ĐBSCL phát triển bền vững.
Liên kết để tăng lợi nhuận
Tại hội nghị sơ kết vụ lúa đông xuân năm 2020-2021 được tổ chức ở TP Cần Thơ mới đây, ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (TP Cần Thơ), cho rằng lúa gạo Việt Nam bây giờ xác lập mặt bằng giá mới. Theo báo cáo của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá xuất khẩu bình quân năm 2020 đạt 499,03 USD/tấn, tăng 18,78 USD/tấn so với năm 2019. “Lúa gạo Việt Nam tăng chất lượng thì phải có giá mới. Tôi nghĩ đây là vấn đề mà chúng ta phải công nhận với nhau, để đi theo hướng này, nâng chất lượng lên và bán với giá thật, đúng với công sức của nông dân” – ông Bình nhận định.
Trong vụ đông xuân, nông dân tham gia cánh đồng lớn vừa giảm chi phí, lại tăng lợi nhuận. Ảnh: NGỌC TRINH
Tuy nhiên, ông Bình lưu ý dù gạo bán được giá tốt, nông dân có thu nhập cao nhưng để không bị động, không “ăn may”, bảo đảm có tính bền vững thì cần tiếp tục đi sâu vào liên kết giữa doanh nghiệp (DN) với nông dân để khi hết dịch Covid-19, khi thị trường có biến động thì xuất khẩu gạo vẫn ổn định.
Vấn đề liên kết “4 nhà” từ lâu đã được khuyến khích phát triển. Tuy nhiên, trên thực tế sự liên kết này vẫn còn lỏng lẻo, đặc biệt là giữa nhà nông và nhà DN. Thực tế cho thấy trong vụ đông xuân 2020-2021, vùng ĐBSCL có hơn 1,5 triệu ha sản xuất lúa nhưng diện tích cánh đồng lớn chỉ khoảng 160.000 ha. Trong khi đó, tham gia vào cánh đồng lớn thì chi phí sản xuất của nông dân giảm từ 10%-15%, giá trị sản lượng có thể tăng từ 20%-25%, thu lãi thêm từ 2,2-7,5 triệu đồng/ha so với những diện tích không được DN bao tiêu.
Theo TS Đặng Kiều Nhân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL (Trường ĐH Cần Thơ), đối với tất cả ngành hàng nông sản, hầu hết nông dân sản xuất quy mô nhỏ và cá thể, không đủ năng lực để liên kết với DN. Có 3 vấn đề mấu chốt để liên kết thành công, gồm: Cải tiến tư duy và năng lực của nông dân; liên kết nông dân với nhau thành tổ hợp tác, HTX để tạo vùng nguyên liệu lớn đáp ứng nhu cầu; nâng cấp năng lực quản lý sản xuất, chế biến và kinh doanh của HTX. Giải pháp cho 3 vấn đề trên đòi hỏi sự hỗ trợ hiệu quả của nhà nước. Đây là công việc kiên trì và cần thời gian.
Cùng có lợi, cùng trách nhiệm
Ông Lâm Thanh Dũng, Chủ nhiệm HTX Đoàn Kết (xã Tân Duyệt, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau), cho biết: “Dù mang tiếng là HTX nhưng trước đến giờ chúng tôi chủ yếu bán cho thương lái, chứ không ký hợp đồng bán tôm trực tiếp với DN nên thường bị ép giá. Thậm chí có khi lên đầm, tìm thương lái không kịp, khiến tôm “rớt” nhiều, giảm lợi nhuận”.
Nhìn vào mô hình liên kết hiện nay, có thể thấy từ người nuôi đến xuất khẩu phải trải qua 4 giai đoạn và số lợi nhuận mà người nuôi tôm thực sự nhận được giảm dần qua các giai đoạn ấy. Cuối cùng, người trực tiếp sản xuất ra con tôm, chịu nhiều vất vả, rủi ro nhất lại chính là người chịu thiệt thòi nhiều nhất trong mô hình liên kết như hiện nay.
Từ những thực tế đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau xây dựng mô hình liên kết mới, đó là liên kết “6 nhà”: Nhà nông – nhà nước – ngân hàng – DN – người nuôi tôm – nhà phân phối. Trong đó có sự tham gia tích cực và gắn trách nhiệm từ các bên trong chuỗi giá trị. Đối với người nuôi tôm: Một đơn vị diện tích đất nuôi tôm công nghiệp phải góp tối thiểu 25% vốn (qua máy móc, trang thiết bị, con giống, lao động, nhiên liệu…); DN cung cấp vật tư hỗ trợ người nuôi tôm tối thiểu 35% thông qua hình thức bán hàng trả sau không tính lãi. Còn về phía ngân hàng cho vay tối thiểu 40% vốn qua hình thức thế chấp.
Chuỗi liên kết mới sẽ là người nuôi tôm được mua trực tiếp con giống, thức ăn, thuốc thú y thủy sản từ DN với mức giá ưu đãi. Người nuôi tôm sẽ được bán trực tiếp con tôm cho DN chế biến, đóng gói, bỏ qua 2 trung gian đầu mối. Theo đó, mô hình mới sẽ đặt trách nhiệm ràng buộc cho mỗi bên tham gia cùng có lợi.
Nguồn: https://nld.com.vn/mien-tay/doanh-nghiep-nong-dan-bat-tay-cung-lam-giau-20210328212500436.htm
SẢN PHẨM MỚI
TIN TỨC